HIẾP DÂM NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI SẼ PHẢI CHỊU NHỮNG TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ NÀO THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM ?

Gần đây, một vụ việc “hot” đang được dân tình cả nước xôn xao, theo một trang tin nước ngoài đăng tải, hai người đã bị cảnh sát Guardia Civil bắt giữ hôm thứ Bảy, với cáo buộc cưỡng hiếp một cô gái 17 tuổi (người chưa thành niên) người Anh.
Giả sử vụ việc này xảy ra ở Việt Nam và tất cả những cá nhân có liên quan đến vụ việc đều là người Việt Nam thì trách nhiệm pháp lý nào được đặt ra trong trường hợp này?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, đối với các hành vi được mô tả và được lan truyền trên báo chí, nếu người phạm tội đã trên 18 tuổi thì sẽ phải gánh chịu 2 loại trách nhiệm sau:
- Trách nhiệm hình sự
- Trách nhiệm dân sự
1.Trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại điều 141 của Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội hiếp dâm như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Tuy nhiên, do đối tượng bị xâm hại là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra khi có yêu cầu của bị hại, căn cứ theo quy định tại điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2021: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”.
Như vậy, khi có yêu cầu của bị hại hoặc yêu cầu từ người đại diện hợp pháp của người bị hại thì người có hành vi vi phạm sẽ phải đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và mức hình phạt cao nhất có thể xảy ra là chung thân.
2.Trách nhiệm dân sự
Ngoài trách nhiệm hình sự, cá nhân khi phạm tội còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại căn cứ theo quy định điều 584 Bộ luật dân sự 2015
Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Hành vi hiếp dâm có thể phát sinh các thiệt hại, bao gồm:
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
Theo đó, ngoài trách nhiệm hình sự, người bị kết án về hành vi hiếp dâm phải có thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho sức khỏe đối với người bị xâm hại/ “bù đắp về tinh thần” một khoản tiền - có thể do 2 bên tự thỏa thuận với nhau hoặc trong trường hợp không thỏa thuận được thì số tiền bồi thường không được vượt quá “năm mươi lần mức lương cơ sở”.
Như vậy, có thể thấy rằng người phạm tội phải chịu những trách nhiệm pháp lý nặng nề đối với hành vi phạm tội của mình. Pháp luật đặt ra hình phạt nghiêm khắc vừa mang tính răn đe, trừng trị người phạm tội vừa có tính giáo dục, ngăn ngừa tội phạm nói chung.