Thứ nhất, BLLĐ 2019 đã tăng tính nhận diện các quan hệ lao động diễn ra trên thực tế.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 BLLĐ 2019 có thể hiểu mọi hợp đồng dù với bất kì tên gọi nào nhưng có đầy đủ 3 yếu tố: làm việc trên cơ sở thỏa thuận; có trả lương; có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì đều được coi là hợp đồng lao động. Việc quy định như vậy nhằm ngăn NSDLĐ “lách luật”, thực hiện ký kết các hợp đồng với tên gọi khác như hợp đồng dịch vụ, hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng chuyên gia,… để né tránh trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của NSDLĐ về tiền lương, trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội cho NLĐ.
Thứ hai, BLLĐ 2019 có ghi nhận thêm một phương thức giao kết hợp đồng mới, đó là giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu (khoản 1 Điều 14). Phương thức mới này tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể ký kết HĐLĐ linh hoạt, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, khi lựa chọn phương thức này, các bên nên lưu ý một số vấn đề cần thỏa thuận như yêu cầu kỹ thuật, các điều kiện bảo mật, thời điểm gửi và nhận dữ liệu,…
Thứ ba, BLLĐ 2019 đã xóa bỏ HĐLĐ theo mùa vụ. Hai bên phải giao kết hợp đồng bằng văn bản nếu HĐLĐ có thời hạn 01 tháng trở lên (khoản 2 Điều 14) trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 Bộ luật này. Quy định này phù hợp với quy định về phạm vi đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: NLĐ ký HĐLĐ có thời hạn 01 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thứ năm, theo Điều 24 BLLĐ 2019 cho phép các bên thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ (trừ HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng).
Quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của hai bên NSDLĐ và NLĐ muốn trực tiếp ký HĐLĐ, khi đó thời gian thử việc là một nội dung của HĐLĐ. Trong trường hợp thử việc không đạt, hai bên có thể chấm dứt HĐLĐ; trường hợp thử việc đạt, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện HĐLĐ mà không phải ký một hợp đồng mới. Điều này đã hạn chế được tình trạng NSDLĐ chậm trễ ký HĐLĐ để NLĐ tiếp tục làm việc theo hình thức học việc sau thời gian thử việc đạt yêu cầu.
Thứ sáu, BLLĐ 2019 yêu cầu Phụ lục HĐLĐ quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của HĐLĐ nhưng không được sửa đổi thời hạn HĐLĐ (khoản 2 Điều 22).
Quy định mới này có tác dụng loại trừ trường hợp NSDLĐ “lách” yêu cầu ký HĐLĐ không xác định thời hạn bằng cách ký HĐLĐ có xác định thời hạn không quá 36 tháng và bổ sung vào phần Phụ lục kéo dài thời hạn hợp đồng. Tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp khi mà cả hai bên có nhu cầu kéo dài hoặc rút ngắn thời hạn HĐLĐ nhưng tổng thời gian có hiệu lực của hợp đồng không quá 36 tháng. Lúc này sự thỏa thuận và nguyện vọng chính đáng của các bên chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ bảy, BLLĐ 2019 bổ sung một số quy định mới liên quan đến trường hợp HĐLĐ đã hết hạn mà các bên tiếp tục làm việc:
Điểm a khoản 2 Điều 20 BLLĐ 2019 yêu cầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn mà các bên chưa ký hợp đồng mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên thực hiện theo hợp đồng đã giao kết. Đây là sự bổ sung quy định còn bỏ ngỏ của BLLĐ 2012. BLLĐ 2012 chỉ quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, các bên không ký kết HĐLĐ mới thì HĐLĐ xác định thời hạn chuyển thành HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ mùa vụ hoặc có thời hạn dưới 12 tháng trở thành HĐLĐ có thời hạn và thời hạn là 24 tháng (khoản 2 Điều 22). Như vậy, sự bổ sung của Bộ luật mới đã đảm bảo được lợi ích của hai bên trong giao kết hợp đồng.
Bên cạnh đó, BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm 3 trường hợp các bên có thể ký liên tiếp nhiều hơn hai HĐLĐ có thời hạn mà không phải chuyển sang loại HĐLĐ không xác định thời hạn. Như vậy, tổng cộng có 4 trường hợp, bao gồm: NLĐ là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn, người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước, NLĐ là người cao tuổi, NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nhìn chung các trường hợp này được ký HĐLĐ xác định thời hạn nhiều lần là phù hợp.