• Tổng đài 24/7 : 09 0202 0990
  • Hỗ trợ : info@bcpacific.vn
  • Trụ sở: số 6 phố Thâm Tâm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
en_US vi_VN ja_JP

feature_image

BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT THEO LUẬT ĐẤT ĐAI 2013 VÀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI 2023 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG)

1. Luật Đất đai 2013

1.1. Quy định pháp luật

  • Về nguyên tắc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất, Điều 74 Luật Đất đai 2013 quy định:
  • Một, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định của pháp luật thì được bồi thường.
  • Hai, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
  • Ba, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
  • Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất, Khoản 1 Điều 88 Luật Đất đai 2013 quy định: 
  • Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.
  • Tuy nhiên, không phải cứ có tài sản trên đất là được bồi thường mà cần phải chú ý tính hợp pháp của quyền sử dụng đất và tài sản ấy:
  • Những mảnh đất không có quyền sử dụng hợp pháp, thì khi bị thu hồi, đương nhiên tài sản có trên đất cũng không được bồi thường.
  • Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định pháp luật hoặc tạo lập sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tài sản đó cũng không được bồi thường.
  • Về nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, Khoản 1 Điều 83 Luật Đất đai 2013 quy định:
  • Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của pháp luật còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ trong từng trường hợp cụ thể 
  • Các khoản hỗ trợ bao gồm: (Điều 83)
  • Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; 
  • Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp hay thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; 
  • Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư tại nước ngoài phải di chuyển chỗ ở; 
  • Các hỗ trợ khác.
  • Việc hỗ trợ phải đảm bảo khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật 

1.2. Bất cập thực tiễn

  • Thứ nhất, việc bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu áp dụng trong trường hợp thu hồi đất nông nghiệp thì tính khả thi trên thực tế là không cao do quỹ đất nông nghiệp còn lại để bồi thường rất ít trong khi diện tích thu hồi lại rất nhiều. Kết quả là nhiều nơi đã lựa chọn bồi thường bằng tiền tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm thu hồi đất. Mặc dù, nguyên tắc là ưu tiên bồi thường đất, nếu không thể mới bồi thường bằng tiền, nghĩa là cần có quỹ đất sạch để người sử dụng có điều kiện được hưởng nguyên tắc này, thế nhưng thực tế việc tạo quỹ đất nông nghiệp là không thể. Nói cách khác, nguyên tắc được tạo ra nhưng không được thực hiện vì nó không thể thực hiện được.
  • Thứ hai, việc bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm thu hồi đất nếu không có đất để bồi thường. Theo lý thuyết, nguyên tắc này là hợp lý vì việc bồi thường được dựa trên cơ sở thiệt hại thực tế tại thời điểm thu hồi đất. Nhưng thực tế, người dân lại không được nhận tiền bồi thường ngay mà phải sau một thời gian, thậm chí là 2 - 3 năm kể từ ngày có quyết định do phải thực hiện quy trình, thủ tục. Trong khi giá đất trên thị trường biến động theo xu hướng tăng cao so với giá trị được bồi thường, khiến cho người sử dụng đất phải chịu thiệt thòi. Đặc biệt ở những nơi lấy đất nông nghiệp chuyển sang làm đất đô thị, với lợi nhuận thu được sau khi chuyển mục đích sử dụng là quá lớn. Dẫn đến chênh lệch giá đất mà người dân được hưởng bồi thường với giá đất gốc sau khi chuyển mục đích sử dụng sau thu hồi là rất lớn, giá đất nông nghiệp được bồi thường thấp hơn đất phi nông nghiệp và đặc biệt thấp hơn giá đất thị trường. Thực tế, có trường hợp bồi thường đất với giá vài chục ngàn/mét vuông, sau đó chủ đầu tư “phân lô, bán nền” với giá vài chục triệu đồng/mét vuông.
  • Thứ ba, việc hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp, hai đối tượng được hỗ trợ là nhóm nông dân trong độ tuổi lao động và nhóm nông dân ngoài độ tuổi lao động. Nhóm một sẽ được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm mới, nhóm hai sẽ được hỗ trợ để có thể dưỡng lão, an tâm với cuộc sống mới. Mặc dù độ tuổi lao động ở Việt Nam là dưới 55 với nữ, dưới 60 với nam nhưng thực tế ở nông thôn Việt Nam, những người ngoài độ tuổi này vẫn tham gia lao động trong các hoạt động nông nghiệp. Khi bị thu hồi đất, nhóm hai gần như không có cơ hội và khả năng để chuyển đổi nghề nghiệp hay có việc làm mới phù hợp trong khi đó, nếu không bị mất đất nông nghiệp thì cho dù đến ngoài 60 tuổi, họ vẫn có khả năng lao động. Như vậy, nhóm đối tượng này cần được hưởng các chính sách hỗ trợ ổn định cuộc sống mới.

 

2. Dự thảo Luật Đất đai 2023 (sửa đổi, bổ sung)

2.1. Quy định pháp luật

  • Về nguyên tắc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất, Điều 97 Dự thảo Luật Đất đai 2023 quy định:
  • Một, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 98 của Luật này thì được bồi thường.
  • Hai, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
  • Ba, việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
  • Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở.
  • Bốn, việc tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất.
  • Năm, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
  • Sáu, chính phủ quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
  • Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất, Khoản 1 Điều 106 Dự thảo Luật Đất đai 2023 quy định tương tự như Khoản 1 Điều 88 Luật Đất đai 2013 
  • Về nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, Khoản 1 Điều 112 Dự thảo Luật Đất đai 2023 quy định tương tự Khoản 1 Điều 83 Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, các khoản được hỗ trợ đã được quy định rộng hơn, bao gồm 5 khoản:
  • Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;
  • Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;
  • Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở;
  • Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật.
  • Hỗ trợ khác.

2.2. Tác động đến những bất cập đang tồn đọng

  • Một, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Điều này nhằm khắc phục tình trạng việc tái định cư tại các khu chung cư, tập thể đã xuống cấp khiến cho điều kiện sống của người dân tệ hơn sau khi tái định cư.
  • Hai, việc bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nếu không có đất để bồi thường. Việc quy định giá đất bồi thường theo giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ giúp hạn chế tình trạng giá đất bồi thường chênh lệch quá lớn so với giá đất thị trường
  • Ba, đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở. Điều này đồng nghĩa với việc tại các khu vực là đất nông nghiệp người bị thu hồi đất có thể được đền bù bằng đất khác mục đích sử dụng hoặc bằng nhà ở nếu quỹ đất, quỹ nhà cho phép thay vì nhận tiền đền bù và chịu thiệt thòi do chênh lệch giá.
  • Tư, việc tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất. Từ đó, hạn chế tình trạng sau khi thu hồi đất đến 2 - 3 năm người dân mới nhận được đền bù do chậm trễ trong việc xây dựng phương án đền bù và thực hiện các quy trình, thủ tục.
“Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp và Đầu tư BCPACIFIC
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để phòng ngừa các rủi ro pháp lý!”
Để được hỗ trợ và giải đáp các vướng mắc chi tiết, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
  • Phone:09 0202 0990
  • Website:bcpacific.vn
  • Email:info@bcpacific.vn
TƯ VẤN PHÁP LUẬT