• Tổng đài 24/7 : 09 0202 0990
  • Hỗ trợ : info@bcpacific.vn
  • Trụ sở: số 6 phố Thâm Tâm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
en_US vi_VN ja_JP

feature_image

CÁC LOẠI TRANH CHẤP DÂN SỰ

1. Tranh chấp dân sự là gì?

Theo từ điển Tiếng Việt, tranh chấp là việc giành nhau một cách giằng co không rõ thuộc về bên nào. Tranh chấp cũng có nghĩa là đấu tranh giằng co khi có ý kiến bất đồng, thường là trong vấn đề quyền lợi giữa hai bên.

Những tranh chấp dân sự sẽ trở thành vụ án dân sự, nếu có yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng. Nhưng không phải tất cả các vụ án dân sự đều là các tranh chấp dân sự. Có những vụ án dân sự là tranh chấp về kinh doanh, thương mại, tranh chấp về lao động. Các tranh chấp dân sự trong Bộ luật tố tụng dân sự được sử dụng theo nghĩa hẹp nhất của từ này, tức là chỉ bao gồm những tranh chấp, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ do pháp luật dân sự điều chỉnh. Đây là các tranh chấp được quy định tại Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự.

Như vậy, tranh chấp về dân sự (hiểu theo nghĩa hẹp) là những bất đồng, xung đột lợi ích pháp lý giữa ít nhất hai bên trong lĩnh vực dân sự (xung đột xảy ra giữa các chủ thể trong các quan hệ về nhân thân hoặc tài sản được pháp luật dân sự quy định)

 

2. Các loại tranh chấp dân sự

- Các loại tranh chấp dân sự bao gồm:

- Tranh chấp về thừa kế tài sản.

- Tranh chấp về hợp đồng dân sự.

- Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.

- Tranh chấp về nợ khó đòi.

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

-Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

- Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí.

- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.

- Tranh chấp về quốc tịch

- Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định.

Các loại tranh chấp dân sự thường gặp hiện nay là tranh chấp quyền sở hữu tài sản thừa kế, tài sản ly hôn, tranh chấp về đất đai, tranh chấp dân sự liên quan đến hợp đồng, cơ chế quy định trong hợp đồng mua bán, vay tài sản, đầu tư, chuyển giao công nghệ, vận chuyển, bảo hiểm, dịch vụ, các tranh chấp lao động...

 

3. Các tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Tại Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự quy định 13 trường hợp tranh chấp về dân sự cụ thể thuộc thẩm quyền giải quyết quyết của Tòa án và một quy định mở về “tranh chấp khác về dân sự”. Trong số các tranh chấp dân sự đó, đáng chú ý là các tranh chấp dân sự sau:

- Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản

Các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản bao gồm tranh chấp xác định ai là chủ sở hữu tài sản, tranh chấp về quyền chiếm hữu, định đoạt và sử dụng tài sản. Tài sản có thể là đồng sản hoặc bất động sản, có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Tranh chấp về các quyền khác đối với tài sản bao gồm quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.

- Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự

Theo giải thích tại Điều 116, Bộ luật dân sự 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”. Như vậy, giao dịch dân sự đã bao hàm cả hợp động, nhưng theo quy định tại Khoản 3, Điều 26 thì tranh chấp về giao dịch dân sự và tranh chấp về hợp đồng dân sự được tách riêng.

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Và hợp đồng ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp, tức là chủ thể hợp đồng là cá nhân, tổ chức không đăng ký kinh doanh, mục đích giao kết không vi lợi nhuận, điều này nhằm phân biệt với hợp đồng kinh doanh thương mại.

Tranh chấp về hợp đồng dân sự khá đa dạng như hợp đồng vay tiền, hợp đồng cầm cố, thế chấp,.. Điều quan trọng là phải xác định chính xác các loại hợp đồng để xác định đúng pháp luật áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp đó.

Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự trong đó thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Ví dụ: lập di chúc của một cá nhân, việc từ bỏ quyền đòi nợ của chủ nợ,….

- Tranh chấp về thừa kế tài sản

Tranh chấp về thừa kế di sản của người chết để lại bao gồm tranh chấp về quyền thừa kế như quyền yêu cầu chia di sản thừa kế, yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác đối với di sản thừa kế, tranh chấp thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật đối với di sản thừa kế,…

- Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai

Việc sử dụng thuật ngữ tranh chấp đất đai nhằm tạo nên sự thống nhất với quy định của Luật đất đai 2013 (trước đây quy định là tranh chấp quyền sử dụng đất). Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Trong tố tụng dân sự, tranh chấp đất đai được hiểu là tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất, thông thường là tranh chấp về ranh giới đất, lối đi chung, người cho mượn đất, cho thuế đất tranh chấp với người được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rất cụ thể các trường hợp Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (mở rộng hơn so với thẩm quyền được quy định trong Luật Đất đai năm 2003).

- Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Văn bản công chứng vô hiệu theo quy định của pháp luật khi người công chứng văn bản ấy không có thẩm quyền công chứng hoặc công chứng viên không tuân thủ quy định pháp luật về trình tự, thủ tục công chức; người yêu cầu cầu công chứng có hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu công chứng mà công chứng viên không biết. Khi cho rằng việc công chức có vi phạm pháp luật thì chủ thể có thẩm quyền có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và khi có chủ thể còn lại không đồng ý với yêu cầu này dẫn đến tranh chấp thì tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

- Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự

Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế xử lý tài sản chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ chứng minh tài sản đó là tài sản của người phải thi hành án. Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2014, thì chủ sở hữu chung, các bên tranh chấp, chấp hành viên, hoặc tổ chức thi hành án có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án xác định phần sở hữu riêng của người phải thi hành trong khối tài sản chung với người khác trong trường hợp tài sản của người phải thi hành án là tài sản chung thuộc sở hữu chung với người khác nhưng các chủ sở hữu chung không khởi kiện.

- Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân

Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam là tranh chấp giữa công dân Việt nam với công dân nước ngoài hoặc với người không có quốc tịch về việc xác định quốc tịch Việt Nam do chính một trong các bên hoặc một chủ thể nào đó có liên sự liên quan với các bên, đối với các trường hợp không có tranh chấp giữa các bên về quốc tịch Việt nam mà các bên về quốc tịch Việt nam mà các bên đều thống nhất đề nghị cơ quan nhà nước xem xét thay đổi quốc tịch thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà thuộc thẩm quyền của cơ quan khác.

Ngoài ra, các tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự còn có: Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;  Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước; Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự,... 

“Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp và Đầu tư BCPACIFIC
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để phòng ngừa các rủi ro pháp lý!”
Để được hỗ trợ và giải đáp các vướng mắc chi tiết, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
  • Phone:09 0202 0990
  • Website:bcpacific.vn
  • Email:info@bcpacific.vn
TƯ VẤN PHÁP LUẬT