Khoản 31 Điều 4 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định: “Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp”.
Tổ chức lại doanh nghiệp được hiểu là một biện pháp nhằm thay đổi quy mô hay loại hình doanh nghiệp theo quyết định của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng được nhu cầu và điều kiện thực tế của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Đồng thời, đây là một thủ tục mang tính chất hành chính bởi khi tiến hành tổ chức lại doanh nghiệp, chủ sở hữu phải đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Luật Doanh Nghiệp 2020 đã có một số điểm mới trong quy định về tổ chức lại doanh nghiệp so với Luật doanh nghiệp 2014, cụ thể như sau:
Đầu tiên, điểm khác giữa Luật Doanh Nghiệp 2020 và Luật Doanh Nghiệp 2014 là thay đổi tên gọi các phương thức tổ chức lại doanh nghiệp. Việc thay đổi từ “ doanh nghiệp” thành từ “ công ty” là một thay đổi rất phù hợp, tránh nhầm lẫn. Từ “doanh nghiệp” ở các phương thức này chỉ cả doanh nghiệp tư nhân, trong khi thực tế phương thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập chỉ dùng cho loại hình công ty nhất định, cụ thể: chia, tách công ty (Điều 198, 199 LDN 2020) – áp dụng cho công ty TNHH và công ty cổ phần và hợp nhất, sáp nhập công ty (Điều 200, 201 LDN 2020) – áp dụng cho tất cả các loại hình công ty và chuyển đổi hình thức giữa các loại hình doanh nghiệp cụ thể (từ Điều 202 đến Điều 205).
Thứ hai, Luật Doanh Nghiệp 2020 đã xoá bỏ quy định về cách thức chia và tách công ty. Việc thay đổi như vậy giúp cho quyền tự quyết định của các thành viên và cổ đông trong công ty khi tiến hành chia/ tách công ty không bị giới hạn giống như Luật Doanh Nghiệp 2014 nữa. Bởi việc chia/tách công ty được diễn ra trên cơ sở là Nghị quyết, quyết định chia/tách công ty, và trong Nghị quyết/quyết định sẽ xác định rõ nguyên tắc, cách thức và thủ tục chia/tách công ty, và nguyên tắc cách thức chia/tách sẽ do các chủ sở hữu của công ty toàn quyết quyết định và thống nhất nếu cứ quy định áp đặt cho công ty cách thức chia/tách tại khoản 1 Điều 192 và khoản 1 Điều 193 LDN năm 2014 sẽ khiến cho các công ty có thể bị động hoặc áp dụng không đúng hay máy móc khi tiến hành chia tách công ty.
Thứ ba, Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định cụ thể ngay trong các điều luật tổ chức lại doanh nghiệp về công ty mới kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty bị chia/ công ty bị tách/ công ty bị hợp nhất/ công ty bị sáp nhập lần lượt tại Khoản 4 Điều 198, Khoản 4 Điều 199, Khoản 4 Điều 200, Điểm c Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh Nghiệp 2020. Việc quy định cụ thể như vậy giúp cho việc áp dụng pháp luật thuận tiện hơn, dễ áp dụng hơn.
Thứ tư, Luật Doanh Nghiệp 2020 bổ sung thêm hình thức chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân sang các loại hình doanh nghiệp khác, cụ thể Điều 205 LDN năm 2020 đã cho phép DNTN chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh. Việc tiến bộ trong quy định của luật đã tạo điều kiện cho các DNTN trong việc lựa chọn quy mô hình kinh doanh và cách thức quản lý mong muốn, đồng thời cũng tuân thủ nguyên tắc chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh trong chế định tổ chức lại doanh nghiệp.
Thứ năm, Luật doanh nghiệp quy định cụ thể hơn về căn cứ tổ chức lại doanh nghiệp. LDN năm 2020 đã ghi nhận rõ hai căn cứ cụ thể là quyền tự quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật. Đối với các phương thức tổ chức lại là chia công ty, tách công ty, hợp nhất công ty và sáp nhập công ty, căn cứ áp dụng hoàn toàn dựa vào ý chí của chủ sở hữu. Đối với phương thức chuyển đổi mô hình pháp lý, LDN cũng thừa nhận quyền quyết định của chủ doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi, thông qua việc định hướng cho chủ doanh nghiệp một số cách thức tiến hành chuyển đổi như tại khoản 2 Điều 202; điểm a, b khoản 1 Điều 203 hay điểm a, b, c khoản 1 Điều 204 LDN năm 2020.
Thứ sáu, Luật doanh nghiệp 2020 quy định đầy đủ và phù hợp hơn về điều kiện tổ chức lại doanh nghiệp. Khoản 3 Điều 200 và Khoản 3 Điều 201 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định về khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh 2018. Điều 30 Luật Cạnh tranh 2018 đã quy định về việc tập trung kinh tế bị cấm, cụ thể là trường hợp doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam, và việc đánh giá này sẽ do Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đánh giá theo các quy định cụ thể của pháp luật. Trước đó, Khoản 3 Điều 194 LDN năm 2014 quy định: “Trường hợp hợp nhất mà theo đó công ty hợp nhất có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty bị hợp nhất phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hợp nhất, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác. Cấm các trường hợp hợp nhất mà theo đó công ty hợp nhất có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác”. Việc quy định về thị phần từ 30% đến 50 % tại thời điểm LDN năm 2014 được xây dựng và ban hành được đặt ra tương thích với quy định trong Luật Cạnh tranh năm 2004. Tuy nhiên, hiện nay thì Luật cạnh tranh 2004 đã hết hiệu lực và thay thế bằng Luật Cạnh Tranh 2018 theo đó Luật Doanh Nghiệp 2020 thay đổi là hoàn toàn phù hợp. Bởi thời kỳ kinh tế cạnh tranh của mỗi giai đoạn là khác nhau, việc quy định pháp luật thay đổi để đảm bảo theo kịp xu thế thị trường là hoàn toàn hợp lý.
Luật Doanh Nghiệp 2020 đã có sự quy định cụ thể hơn, bổ sung những quy định còn thiếu, thay đổi những quy định không còn phù hợp, lược bỏ những quy định làm hạn chế quyền tự chủ của các doanh nghiệp. Những quy định về tổ chức lại doanh nghiệp sẽ là những cơ sở pháp lý đặt nền tảng cho sự vận động thay đổi của các doanh nghiệp. Khuyến khích hơn nữa sự chủ động sản xuất kinh doanh và đảm bảo quyền tự do bình đẳng của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.