• Tổng đài 24/7 : 09 0202 0990
  • Hỗ trợ : info@bcpacific.vn
  • Trụ sở: số 6 phố Thâm Tâm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
en_US vi_VN ja_JP

feature_image

HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Đất đai 2013;

- Luật Hòa giải ở cơ sở 2013;

- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

- Nghị định số 01/2017/NĐ-CP;

 

KHÁI QUÁT HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Theo qui định của pháp luật hiện hành, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Theo đó, ba loại tranh chấp thường gặp trên thực tế bao gồm:

+ Tranh chấp về quyền sử dụng đất

+ Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất

+ Tranh chấp về mục đích sử dụng đất

Hòa giải là một trong những phương pháp được sử dụng khá phổ biến và có những ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trong đó, hòa giải tranh chấp đất đai là biện pháp mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả nhằm giúp cho các bên tranh chấp tìm ra giải pháp thống nhất để tháo gỡ những mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ pháp luật đất đai trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận.

Việc hòa giải ở cơ sở trên cơ sở sự tự nguyện của các bên tranh chấp, không phải là thủ tục bắt buộc. Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 thì các bên có quyền đồng ý hoặc từ chối hòa giải. Trong khi đó, theo Nghị Quyết 04/2017/NQ-HĐTP, hòa giải đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc và cũng là điều kiện thụ lý vụ án tại Tòa án.

 

THẨM QUYỀN HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Theo Điều 202 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.

 

HỒ SƠ HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, kèm theo các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có) như: Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở; bản sao: 

+ Giấy Chứng minh nhân dân của người yêu cầu;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 nếu có); 

+ Trích lục thửa đất; 

+ Giấy tờ mua bán, sang nhượng đất; 

+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; 

 

THỦ TỤC HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai: không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Trình tự thủ tục thực hiện như sau:

Bước 1: Người yêu cầu nộp hồ sơ lên UBND có thẩm quyền giải quyết. Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

+ Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

+ Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải.

Bước 2: UBND xã tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

Bước 3:  Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản. Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.

Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định tại Khoản 5 Điều 202 Luật Đất đai.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì UBND cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.

 

Trên đây là phần trình bày về hòa giải tranh chấp đất đai theo pháp luật hiện hành. Nếu khách hàng có vướng mắc liên quan đến tranh chấp đất đai mong muốn được hòa giải, quí khách có thể liên hệ qua số điện thoại và zalo 0902020990 hoặc qua email  info@bcpacific.vn để BCPacific có thể tư vấn miễn phí và đồng hành cùng giải quyết vấn đề

“Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp và Đầu tư BCPACIFIC
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để phòng ngừa các rủi ro pháp lý!”
Để được hỗ trợ và giải đáp các vướng mắc chi tiết, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
  • Phone:09 0202 0990
  • Website:bcpacific.vn
  • Email:info@bcpacific.vn
TƯ VẤN PHÁP LUẬT