Pháp luật hiện hành không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động và không có bất cứ quy định nào về lương tháng 13, vì thế không phải doanh nghiệp nào cũng có lương tháng 13.
Theo Bộ luật Lao động 2019: Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Có thể thấy, pháp luật không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết cho người lao động. Người sử dụng lao động có thể thưởng hoặc không.
Trường hợp có thưởng thì mức thưởng cũng sẽ do người sử dụng lao động quyết định dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc trong năm của người lao động. Cùng với đó, pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào về lương tháng 13 và không phải doanh nghiệp nào cũng có lương tháng 13. Pháp luật qui định cụ thể quyền lợi của người lao động đi làm vào những ngày nghỉ lễ, tết.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019:
Người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương 05 ngày Tết Âm lịch. Nếu ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Một nội dung đáng chú ý khác, nếu đi làm vào đúng ngày nghỉ lễ tết người lao động được hưởng ít nhất 400% tiền lương. Theo qui định, người lao động được nghỉ làm trong suốt những ngày nghỉ Tết Âm lịch. Trường hợp do đặc thù công việc hoặc thực hiện theo sự phân công, sắp xếp của người sử dụng lao động mà người lao động vẫn đi làm vào những ngày này thì sẽ được tính là làm thêm giờ và hưởng lương làm thêm giờ.
Theo đó, khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm: Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ.
Do đó, nếu người lao động làm thêm giờ trong ngày Tết Âm lịch sắp tới sẽ được hưởng tối thiểu 400% tiền lương ngày làm việc bình thường.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ mỗi ngày hoặc bốn mươi tám (48) giờ mỗi tuần. Người sử dụng lao động có quyền quyết định số giờ làm việc theo ngày hoặc hàng tuần; số giờ làm việc hàng ngày không được vượt quá 10 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Thời giờ làm việc đối với người lao làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ bị giới hạn theo các Quy định và Pháp Luật nhà nước có liên quan.
Làm thêm giờ là việc làm ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể, hoặc theo nội quy lao động. Người sử dụng lao động chỉ có thể để người lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý của họ và nếu số giờ làm thêm không vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường của người lao động mỗi ngày. Trường hợp làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và làm thêm không quá 12 giờ. Số giờ làm thêm không quá 40 giờ mỗi tháng. Tổng số giờ làm thêm không được vượt quá 200 giờ một năm trừ những trường hợp đặc biệt. Giới hạn 300 giờ làm thêm mỗi năm được áp dụng đối với sản xuất và gia công các sản phẩm điện tử, dệt, may và giày dép. Giới hạn làm thêm giờ mở rộng được áp dụng cho công việc đòi hỏi người lao động có tay nghề cao.
Tiền lương làm thêm giờ được trả cho người lao động như sau: ít nhất 150% mức lương bình thường vào các ngày trong tuần; ít nhất là 200% mức lương bình thường vào ngày nghỉ hàng tuần; và ít nhất 300% mức lương bình thường vào các ngày lễ và ngày nghỉ có hưởng lương (nghỉ phép năm). Người lao động nhận được tiền lương theo thời gian hoặc theo ngày, khi làm thêm giờ vào ngày lễ và ngày nghỉ có hưởng lương sẽ được trả 300% mức tiền lương của một ngày công bình thường. Trong một số trường hợp (quốc phòng, an ninh), người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động mới (2019) và các Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động (2020) được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.