• Tổng đài 24/7 : 09 0202 0990
  • Hỗ trợ : info@bcpacific.vn
  • Trụ sở: số 6 phố Thâm Tâm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
en_US vi_VN ja_JP

feature_image

NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU

1. Căn cứ pháp lý:

- Luật Thương mại năm 2005; sửa đổi bổ, sung năm 2019;

- Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Nghị định 35/2006/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại;

- Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương;

- Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 08 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Thông tư 09/2006/TT-BTM ngày 25 tháng 05 năm 2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại 

2. Thế nào là hoạt động nhượng quyền thương hiệu?

Nhượng quyền thương hiệu là một hoạt động trong lĩnh vực thương mại được định nghĩa tại Điều 284 Luật Thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

- Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

3. Hình thức thể hiện nội dung  của hoạt động nhượng quyền thương hiệu 

Theo Điều 285 Luật Thương mại, hoạt động nhượng quyền thương mại giữa các bên chủ thể tham gia phải được thể hiện dưới dạng hợp đồng là văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

4. Đăng ký nhượng quyền thương hiệu 

Theo quy định của tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 120/2011Khoản 1 Điều 18 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, hoạt động nhượng quyền thương hiệu được phân loại thành 02 dạng hoạt động:

- Hoạt động nhượng quyền thương hiệu không phải đăng ký nhượng quyền với cơ quan nhà nước có thẩm quyền 

- Hoạt động nhượng quyền thương hiệu phải đăng ký nhượng quyền với cơ quan nhà nước có thẩm quyền 

Theo đó, các hoạt động không phải tiến hành đăng ký nhượng quyền là các hoạt động nhượng quyền thương mại trong nước và hoạt động nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên, chủ thể của các hoạt động này có trách nhiệm phải thực hiện chế độ báo cáo Sở Công thương theo quy định. 

Đối với hoạt động nhượng quyền thương mại phải đăng ký, Bộ Công thương (trước đây là Bộ Thương mại) có thẩm quyền thực hiện đăng ký hoạt động thương mại cho các hoạt động: Nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam.

5. Điều kiện về chủ thể thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại 

Hoạt động nhượng quyền thương mại được tiến hành bởi các chủ thể đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện chủ thể được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2019.

6. Nội dung của hoạt động nhượng quyền thương mại 

a, Điều kiện nhượng quyền thương mại 

- Đối với bên nhượng quyền, theo quy định tại Điều 08 Nghị định 08/2018/NĐ-CP thì bên nhượng quyền có quyền được cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm. 

-  Đối với bên nhận nhượng quyền, trước đây tại Điều 6 Nghị định 35/2006/NĐ-CP có quy định về điều kiện đối với chủ thể là bên nhận nhượng quyền là chủ thể có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại. Tuy nhiên, hiện nay quy định này đã được bãi bỏ.

b, Đối tượng của hoạt động nhượng quyền thương mại 

Trước đây, Điều 7 Nghị định 35/2006/NĐ-CP có quy định về đối tượng của hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, hiện nay quy định này đã bị bãi bỏ bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP. Theo đó, tất cả các hoạt động thương mại được cấp phép, không bị cấm đều là có cơ sở để thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại

c, Quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền 

Theo Điều 286 Luật Thương mại thì trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên nhượng quyền thương mại có các quyền sau đây:

- Nhận tiền nhượng quyền;

- Tổ chức quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại;

- Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ.

Theo Điều 287 Luật Thương mại thì trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên nhượng quyền thương mại có các nghĩa vụ sau đây:

- Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;

- Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;

- Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;

- Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;

- Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

d, Quyền và nghĩa vụ của bên nhận nhượng quyền 

Quyền của thương nhân nhận nhượng quyền thương mại tại Điều 288 Luật Thương mại thì trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên nhận nhượng quyền có các quyền sau đây:

- Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại;

- Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

Nghĩa vụ của bên nhận nhượng quyền thương mại tại Điều 289 Luật Thương mại thì trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên nhận nhượng quyền có các nghĩa vụ sau đây:

- Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

- Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;

- Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;

- Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;

- Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;

- Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;

- Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.

e, Nhượng quyền thương mại cho bên thứ ba 

Theo Điều 290 Luật Thương mại quy định về nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba như sau:

- Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền.

- Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền theo quy định.

7. Thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại

Hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại được tiến hành theo hướng dẫn tại Thông tư 09/2006/TT-BTM

Về hồ sơ, chủ thể tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại cần chuẩn bị những tài liệu sau đây: 

- Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-1 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt nam;

- Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;

- Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp;

Về thủ tục, chủ thể tiến hành nộp hồ sơ tại Bộ Công thương khi đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ như trên. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại cơ quan đăng ký phải ghi giấy biên nhận. Giấy biên nhận hồ sơ được lập thành 03 liên theo mẫu TB-1A, TB-1B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, 01 liên giao cho thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và 02 liên lưu tại cơ quan đăng ký.

Đối với hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời gian tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký phải thông báo bằng văn bản, theo mẫu TB-2A, TB-2B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, cho thương nhân nộp hồ sơ để yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Thời hạn xử lý hồ sơ được tính từ thời điểm thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại  bổ sung hồ sơ đầy đủ.

Thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại có quyền đề nghị cơ quan đăng ký giải thích rõ những yêu cầu cần bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Cơ quan đăng ký có trách nhiệm trả lời đề nghị đó của thương nhân.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký có trách nhiệm đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu S1, S2 và thông báo cho thương nhân biết bằng văn bản theo mẫu TB-3A, TB-3B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM.

Đối với trường hợp từ chối đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký phải thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối theo mẫu TB-4A, TB-4B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM

Theo đó, cơ quan đăng ký ghi mã số đăng ký trong Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo hướng dẫn như sau:

+ Mã số hình thức nhượng quyền: NQR là nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, NQV là nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam, NQTN là nhượng quyền trong nước.

+ Mã số tỉnh: 2 ký tự theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM.

+ Mã số thứ tự của doanh nghiệp: 6 ký tự, từ 000001 đến 999999.

+ Các mã số được viết cách nhau bằng dấu gạch ngang.

Trên đây là những tư vấn cơ bản của BCPACIFIC về vấn đề nhượng quyền thương mại. Để giải quyết trường hợp cụ thể và đầy đủ, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ theo hotline: 090 202 0990 hoặc gửi yêu cầu vào hòm thư điện tử: info@bcpacific.vn

Chân thành cảm ơn sự quan tâm của Quý Khách !

“Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp và Đầu tư BCPACIFIC
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để phòng ngừa các rủi ro pháp lý!”
Để được hỗ trợ và giải đáp các vướng mắc chi tiết, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
  • Phone:09 0202 0990
  • Website:bcpacific.vn
  • Email:info@bcpacific.vn
TƯ VẤN PHÁP LUẬT