• Tổng đài 24/7 : 09 0202 0990
  • Hỗ trợ : info@bcpacific.vn
  • Trụ sở: số 6 phố Thâm Tâm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
en_US vi_VN ja_JP

feature_image

QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP DÂN SỰ

1. Cấp sơ thẩm

Bước 1: Thụ lý vụ án

- Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn 

- Nếu đơn khởi kiện được nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay Giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.

- Nếu đơn khởi kiện được nộp qua bưu chính, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn.

- Nếu đơn khởi kiện được nộp trực tuyến, Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

- Chánh án tòa phân công Thẩm phán xem xét đơn (trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn), trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.

- Nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết: tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn quy định tại Khoản 1 Điều 317 của BLTTDS 2015.

- Nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác: chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện.

- Nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

Bước 2: Chuẩn bị xét xử 

- Các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 BLTTDS 2015 thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý. Nếu có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.

- Các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 BLTTDS 2015 thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý. Nếu có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng.

- Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

- Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

- Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

- Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

- Đưa vụ án ra xét xử (trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, nếu có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng)

Bước 3: Hòa giải vụ án

- Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 BLTTDS 

- Hòa giải thành: ra quyết định khi không có đương sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận

- Hòa giải không thành, Thẩm phán chủ tọa phiên hòa giải lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện các thủ tục tiếp theo để đưa vụ án ra xét xử.

Bước 4: Mở phiên tòa xét xử

- Phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.

- Thành phần tham gia phiên tòa gồm: Đương sự, Người đại diện của đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Người làm chứng, Người giám định, Người phiên dịch, Kiểm sát viên (Điều 227 đến Điều 232 BLTTDS 2015).

2. Cấp phúc thẩm 

- Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

- Kháng cáo

- Người có quyền kháng cáo (Điều 271 BLTTDS 2015): 

- Đương sự.

- Người đại diện hợp pháp của đương sự.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

- Thời hạn kháng cáo (Điều 273 BLTTDS 2015):

- Đối với Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

- Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

- Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

- Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của BLTTDS 2015.

- Kháng nghị

- Thẩm quyền kháng nghị (Điều 278 BLTTDS 2015): Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

- Thời hạn kháng nghị (Điều 280 BLTTDS 2015):

- Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án.

- Nếu Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.

- Đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.

Bước 1: Thụ lý vụ án 

+ Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

+ Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa

Bước 2: Chuẩn bị xét xử phúc thẩm 

+ Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:

+ Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.

+ Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.

+ Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

+ Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

+ Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng.

Bước 3: Mở phiên tòa xét xử phúc thẩm

+ Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự gồm ba thẩm phán.

+ Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.

+ Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

3. Quá trình giám đốc thẩm và tái thẩm

Thủ tục giám đốc thẩm

- Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 BLTTDS.

- Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

- Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự.

- Đương sự được quyền bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm; thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị giám đốc thẩm.

- Trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

- Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình (tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị) về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình phải được gửi cho các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.

- Sau đó, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền: Điều 343 đến Điều 347 BLTTDS 2015

- Giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa.

- Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

- Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.

- Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định

Thủ tục tái thẩm

- Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 352 BLTTDS 2015.

- Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

- Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền:

- Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

- Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định.

- Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.

“Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp và Đầu tư BCPACIFIC
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để phòng ngừa các rủi ro pháp lý!”
Để được hỗ trợ và giải đáp các vướng mắc chi tiết, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
  • Phone:09 0202 0990
  • Website:bcpacific.vn
  • Email:info@bcpacific.vn
TƯ VẤN PHÁP LUẬT