THỦ TỤC TUYÊN BỐ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP
THỦ TỤC TUYÊN BỐ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP
Cảm ơn Quý khách đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ của BcPacific, chúng tôi đưa ra ý kiến tư vấn cho vấn đề trên như sau:
1. Điều kiện:
Theo khoản 2 điều 3 Luật phá sản năm 2014 quy định: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”. Như vậy, để một doanh nghiệp phá sản thì phải đáp ứng 2 điều kiện sau đây:
- Điều kiện thứ nhất: Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014: “Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”
Như vậy, chỉ khi Doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán từ 03 tháng trở đi mới được xem là mất khả năng thanh toán. Việc pháp luật quy định như trên cho phép Doanh nghiệp có thêm thời gian thu xếp thanh toán các khoản nợ, đồng thời hạn chế tình trạng chủ nợ lạm dụng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, gây áp lực với Doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
- Điều kiện thứ hai: Doanh nghiệp bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản
Để đi đến việc Tòa án tuyên bố phá sản đối với một doanh nghiệp sẽ phải trải qua một quy trình với nhiều bước thực hiện, bước này sẽ là cơ sở để thực hiện cho bước sau, cụ thể:
Bước 1: Đề nghị mở thủ tục phá sản;
Bước 2: Xem xét, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
Bước 3: Mở thủ tục phá sản;
Bước 4: Tổ chức hội nghị chủ nợ;
Bước 5: Phục hồi Doanh nghiệp hay tuyên bố Doanh nghiệp phá sản.
2.Thành phần hồ sơ
Người nộp đơn
|
Thành phần hồ sơ và nội dung thực hiện
|
Chủ nợ
|
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tên, địa chỉ của người làm đơn;
c) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản;
d) Các khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần đến hạn mà không được doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán;
đ) Quá trình đòi nợ;
e) Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.
|
Người nộp đơn là người lao động
|
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tên, địa chỉ của người làm đơn;
c) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản;
d) Số tháng nợ tiền lương, tổng số tiền lương và các khoản nợ khác mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được cho người lao động;
đ) Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.
|
Doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản
|
-Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã;
c) Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.
-Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải được gửi cho Toà án có thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Luật phá sản năm 2014
-Phải nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản các giấy tờ, tài liệu sau đây:
a) Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó giải trình nguyên nhân và hoàn cảnh liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán; nếu doanh nghiệp là công ty cổ phần mà pháp luật yêu cầu phải được kiểm toán thì báo cáo tài chính phải được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận;
b) Báo cáo về các biện pháp mà doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện, nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn;
c) Bảng kê chi tiết tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã và địa điểm nơi có tài sản nhìn thấy được (mẫu 1);
d) Danh sách các chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của các chủ nợ; ngân hàng mà chủ nợ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm (mẫu 2);
đ) Danh sách những người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của họ; ngân hàng mà họ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm (mẫu 3);
e) Danh sách ghi rõ tên, địa chỉ của các thành viên, nếu doanh nghiệp mắc nợ là một công ty có các thành viên liên đới chịu trách nhiệm về những khoản nợ của doanh nghiệp;
g) Những tài liệu khác mà Tòa án yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải cung cấp theo quy định của pháp luật.
|
Chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước
|
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu được thực hiện như ở mục người nộp đơn là doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản
|
Cổ đông công ty cổ phần
|
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu được thực hiện như mục ở mục người nộp đơn là doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, trừ các giấy tờ, tài liệu điểm d, đ và e
|
Thành viên công ty hợp danh
|
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu được thực hiện như ở mục người nộp đơn là doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản
|
3. Thời hạn giải quyết:
- Ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản: 30 ngày kể từ ngày toà án thụ lý hồ sơ.
- Niêm yết danh sách chủ nợ, người mắc nợ: 60 ngày kể từ ngày tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản.
- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại danh sách chủ nợ: 15 ngày kể từ ngày niêm yết.
- Hội nghị chủ nợ: 15 ngày kể từ ngày khoá sổ danh sách chủ nợ.
4. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Như vậy, để thực hiện thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp, nhà đầu tư cần đáp ứng được các điều kiện cũng như cung cấp đủ thông tin đã nêu trên.