• Tổng đài 24/7 : 09 0202 0990
  • Hỗ trợ : info@bcpacific.vn
  • Trụ sở: số 6 phố Thâm Tâm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
en_US vi_VN ja_JP

feature_image

TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT THEO PHÁP LUẬT 2022

CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Bộ luật Dân sự 2015

- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

- Luật Đất đai 2013

PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Việc thừa kế quyền sử dụng đất có thể được thực hiện qua thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật. Việc thừa kế quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện theo đúng qui định pháp luật về hai dạng thừa kế này. Bên cạnh đó, sự thừa kế quyền sử dụng đất còn phụ thuộc vào nội dung biên bản họp gia đình phân chia di sản thừa kế.

Đồng thời, để được nhận thừa kế quyền sử dụng đất, người nhận thừa kế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013, bao gồm:

+ Đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Đất không có tranh chấp;

+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

+ Đất đai thừa kế đang trong thời hạn sử dụng đất.

+ Đối với diện tích đất là di sản thừa kế nằm trong diện quy hoạch, người nhận thừa kế vẫn được tiếp tục thực hiện quyền thừa kế của mình theo quy định tại Điều 49 Luật Đất đai 2013.

THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT 

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp di sản thừa kế là đất đai được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Tuy nhiên cần lưu ý về thẩm quyền giải quyết tranh chấp được áp dụng theo Điều 203 Luật Đất đai 2013 như sau:

Thứ nhất, tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

Thứ hai, tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh

- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

THỜI HIỆU GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015: 

- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

- Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

+ Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

+ Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu được đề cập ở trên.

 

HỒ SƠ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

+ Đơn khởi kiện (theo mẫu);

+ Hồ sơ pháp lý của cá nhân (CMND, hộ khẩu);

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản;

+ Giấy tờ chứng minh mối liên hệ với người để lại di sản;

+ Di chúc hoặc biên bản, tài liệu khác thể hiện ý chí của người để lại di sản trước khi chết (nếu có);

+ Tài liệu về đất đai tranh chấp (như bằng khoán, quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán, xác nhận chính quyền địa phương về tồn tại mảnh đất);

+ Các giấy tờ khác có liên quan đến di sản: Các loại biên bản đồng thuận, giải quyết trong họ tộc, tài liệu thể hiện việc từ chối nhận di sản thừa kế, các tài liệu thể hiện tài sản thừa kế đang được bảo đảm cho việc thực hiện một nghĩa vụ nào đó (nếu có), biên bản giải quyết tại UBND cấp xã.

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, đối với trường hợp tranh chấp thừa kế đất đai (thừa kế quyền sử dụng đất) không bắt buộc phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà các bên tranh chấp có quyền gửi đơn khởi kiện luôn đến Tòa án nhân dân theo quy định.

Các bước giải quyết tranh chấp thừa kể quyền sử dụng đất qua con đường tố tụng bao gồm:

+ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và nộp đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền

Việc này có thể được thực hiện trực tiếp, hoặc qua đường bưu chính hoặc trực tuyến (nếu có);

+ Bước 2: Tòa án tiếp nhận và thụ lý vụ việc

Thẩm phán dự tính tiền tạm ứng án phí phải nộp, ghi vào giấy báo và bàn giao cho người khởi kiện. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự (xem trong giấy báo), sau khi nộp xong thì nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Sau khi nhận được biên lai, Thẩm phán thụ lý vụ án và ghi vào sổ thụ lý.

+ Bước 3: Chuẩn bị xử lý.

Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không quá 04 tháng, đối với vụ án phức tạp được gia hạn thêm không quá 02 tháng (theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

+ Bước 4: Xét xử sơ thẩm

Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện xét xử sơ thẩm và ra bản án.

+Bước 5: Thi hành án

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án nếu không có kháng cáo, kháng nghị, bản án sơ thẩm sẽ được thi hành án (Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

+ Bước 6: Xét xử phúc thẩm (nếu có kháng cáo, kháng nghị)

Nếu trong 15 ngày kể từ ngày tuyên án, một trong các bên đương sự có yêu cầu kháng cáo, Viện kiểm sát có yêu cấu kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm sẽ tiếp nhận và xử lý yêu cầu.

 

Trên đây là phần trình bày về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Nếu khách hàng có vướng mắc liên quan đến loại tranh chấp này, quí khách có thể liên hệ qua số điện thoại và zalo 0902020990 hoặc qua email  info@bcpacific.vn để BCPacific có thể tư vấn miễn phí và đồng hành cùng giải quyết vấn đề.

“Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp và Đầu tư BCPACIFIC
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để phòng ngừa các rủi ro pháp lý!”
Để được hỗ trợ và giải đáp các vướng mắc chi tiết, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
  • Phone:09 0202 0990
  • Website:bcpacific.vn
  • Email:info@bcpacific.vn
TƯ VẤN PHÁP LUẬT