Tài xế xe khách không được lái xe quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần từ 01/01/2025
Sắp tới khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thì thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (ngày hiệu lực 01/01/2025) về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ
- Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật lao động 2019.
- Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Hiện nay, thời gian làm việc của người lái xe ô tô được quy định tại Điều 65 Luật giao thông đường bộ 2008 (còn hiệu lực đến ngày 31/12/2024) như sau:
Thời gian làm việc của người lái xe ô tô
1. Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
2. Người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, từ 01/01/2025, thời gian lái xe liên tục của tài xế xe khách không quá 4 giờ; tổng thời gian lái xe trong ngày không vượt quá 10 giờ và 48 giờ/tuần. Quy định này áp dụng cho cả xe kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tuân thủ pháp luật lao động.
Theo quy định tại Điều 59 Luật đường bộ 2024 (ngày hiệu lực 01/01/2025) về quyền và nghĩa vụ của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách như sau:
(1) Từ chối vận tải hành khách có một trong các hành vi sau đây:
- Gây rối trật tự công cộng trên xe ô tô;
- Cản trở công việc của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô;
- Gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác trên xe ô tô;
- Gian lận vé;
- Vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 60 Luật đường bộ 2024
(2) Từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không bảo đảm các điều kiện về an toàn theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
(3) Không được từ chối vận tải hành khách, trừ lý do quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật đường bộ 2024; không được gây khó khăn đối với hành khách là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai; không được chuyển hành khách sang phương tiện khác khi chưa được sự đồng ý của hành khách, trừ trường hợp bất khả kháng.
(4) Thu tiền đúng giá vé niêm yết hoặc theo hợp đồng vận tải.
(5) Có thái độ, lời nói, hành vi văn minh, lịch sự; hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định, bố trí chỗ ngồi ưu tiên cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai.
(6) Thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các quyền như: Thu tiền vận tải; Từ chối vận tải hành khách có hành vi gây rối trật tự công cộng trên xe ô tô, cản trở hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, gian lận vé; Quyết định các chính sách ưu đãi để phục vụ khách hàng và mở rộng thị trường kinh doanh. (Khoản 1 Điều 58 Luật đường bộ 2024)
Như vậy, từ 01/01/2025, tài xế xe khách có quyền từ chối vận chuyển hành khách gây rối, cản trở công việc hoặc ảnh hưởng đến an toàn trên xe. Tài xế xe khách cũng có thể từ chối lái xe không đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, không được từ chối vận chuyển vô cớ, đặc biệt với người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai. Nghĩa vụ của tài xế bao gồm thu đúng giá vé, có thái độ văn minh, hướng dẫn hành khách đúng chỗ ngồi, và tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường bộ.